COVID-19 đã cho thấy năng lực nhận diện và phản ứng với rủi ro của Việt Nam
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia (NCIF) và UNDP ngày 20.1 tổ chức hội thảo Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam nên biến COVID-19 thành cơ hội hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo TS Jonathan Pincus, năm 2020 là rất khó khăn nhưng nó cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm giúp Việt Nam tự tin hơn cho kế hoạch mới trong tương lai.
“Những gì mà chúng ta đã nhìn thấy trong năm ngoái là ví dụ rất tốt thể hiện năng lực của Chính phủ Việt Nam trong nhận diện rủi ro và phản ứng với rủi ro. Chính phủ đã nhanh chóng và linh hoạt, tạo ra các cơ chế để bảo vệ người dân” – TS Jonathan Pincus nói.
Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh trong tương lai, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro toàn cầu không chỉ về y tế mà cả kinh tế nên khả năng cảm nhận rủi ro, đánh giá rủi ro và phản ứng với rủi ro rất quan trọng giúp Việt Nam vươn lên kỷ nguyên mới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, mặc dù COVID-19 là cuộc khủng hoảng không được mong đợi nhưng cũng đã để lại cho Việt Nam bài học kinh nghiệm về thực thi chính sách và tạo niềm tin trong nhân dân.
“Giai đoạn chống dịch COVID, chúng ta đã tập trung được ý chí của toàn dân, đẩy mạnh tính minh bạch thông tin, đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền với người dân nên chúng ta tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Có những thông điệp rất mạnh mẽ, rất thường xuyên của Chính phủ cập nhật cho nên tập hợp được niềm tin của người dân, thuyết phục người dân ủng hộ Chính phủ” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Theo bà Lan, trong hoạch định chiến lược kinh tế trung hạn, ngoài việc xác định trúng mục tiêu thì rất cần một kế hoạch thực hiện tập trung, quyết liệt: “Như chống COVID, chỉ có 1 ban chỉ đạo thôi, ban chỉ đạo đó tập hợp 1 số cơ quan liên quan nhưng anh nào làm đúng việc của anh ấy mới đạt được kết quả tốt”.
Cần xây dựng quy trình ứng phó với các trường hợp khẩn cấp
Theo TS Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) – có nhiều ý kiến so sánh khủng hoảng hiện nay với khủng hoảng kinh tế 2008 và khủng hoảng 1930 nhưng thật ra đây là cuộc khủng hoảng tệ nhất trong lịch sử và chưa có tiền lệ.
TS Nguyễn Minh Cường lý giải: “Trong suốt thập kỷ vừa rồi, kinh tế thế giới luôn trong trạng thái bất bình thường. Kinh tế thế giới vừa trải qua giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng 2008. Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu kéo lãi suất về bình thường thì COVID lại bùng phát.
Ngoài ra, đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng khả năng phục hồi lại phụ thuộc vào các diễn biến y tế. Bởi vậy, bất kỳ chính sách tài khóa tiền tệ nào đưa ra nếu diễn biến dịch bệnh không tốt sẽ lại phải thay đổi”.
Bên cạnh dịch bệnh, TS Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng là sự kiện bất bình thường và khó đoán định: “Chúng ta sẽ phải sống cùng những điều bất thường này cho giai đoạn 2021-2025. Và các chính sách điều hành sẽ không theo tiền lệ”.
Kinh tế trưởng của ADB khuyến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì thành công trong chống chọi COVID-19, đồng thời giữ nhịp cải cách thể chế và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân để tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức ngày càng đa dạng.
Trong khi đó, tại Báo cáo Kinh tế Việt Nam trung hạn 2021-2025, các chuyên gia của NIFC khuyến nghị Chính phủ “Nghiên cứu xây dựng các quy trình ứng phó một cách tự động cho các trường hợp khẩn cấp với các ngưỡng định tính và định lượng để có thể “kích hoạt”, triển khai ngay khi có khủng hoảng, đại dịch hay các thảm họa khác”.
Bên cạnh rủi ro dịch bệnh, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng và chuẩn bị cho các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường trong kế hoạch trung hạn.
“Trong kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn, cần nhấn mạnh các vấn đề về tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Đó chính là cơ sở để Việt Nam phát triển bền vững” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP, TS Jonathan Pincus khuyến nghị Việt Nam chuẩn bị nguồn vốn nội địa cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Theo ông Jonathan Pincus, sẽ chỉ có khoảng 6-7% nguồn vốn cho giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đến từ quốc tế, còn lại sẽ cần đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước. Vì vậy, Việt Nam nên sớm nghiên cứu kỹ càng và xây dựng thể chế cho việc huy động vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
HẢI LINH